Trẻ con có cần quản lý tài chính cá nhân?

Sau Tết, trẻ thường được giữ nhiều tiền lì xì và có tâm lý cất để mua thật nhiều truyện, đồ chơi hoặc đầu tư cho các vật phẩm giá trị cao. Tuy nhiên, chưa kịp sử dụng vào các dự định lớn thì trẻ đã tiêu hết vào bánh kẹo, đồ ăn vặt hoặc… cho bạn bè. Trẻ cũng có những nhu cầu mua sắm với cách thức bố mẹ không lường trước được như dùng điện thoại để mua ứng dụng, mua hàng online vô thức.

“Có lần thấy tin nhắn trừ tiền về tài khoản giật mình, không hiểu chuyện gì, hoá ra con mình mua ứng dụng trên điện thoại để chơi game”, chị Nhật Ánh ở Hà Nội chia sẻ.

Trường hợp khác, phụ huynh có cuộc gọi của shipper báo nhận hàng, rõ ràng bản thân không đặt nhưng ngã ngửa vì con dùng điện thoại mua hàng online.

Nhiều phụ huynh đang cho con cái sử dụng tiền rất sớm với giá trị không nhỏ một cách chủ động hoặc bị động như trên. Cách tiêu tiền của trẻ thời 4.0 đã rất khác so với trước đây.

Không chỉ tiêu tiền mặt, trẻ đã có thể dùng thẻ của bố mẹ nếu được bố mẹ cho phép, tiêu tiền qua các ví điện tử, mua sắm nhanh chóng trên các trang thương mại điện tử. Trẻ nhỏ có thể biết hoặc không biết các phương pháp trao đổi, mua bán sử dụng tiền nhưng đa phần chưa hiểu cách quản lý tiền bạc.

Trước những câu chuyện dở khóc dở cười của nhiều phụ huynh, các chuyên gia từ mạng lưới tài chính cá nhân Việt Nam đã cho ra mắt sách chuyên đề tài chính học trò.

Bìa sách Tài chính Học trò tập 1 đã được nhóm tác giả phát hành tháng 1 năm 2020 và chuẩn bị ra mắt tập 2 trong tháng 3.

Sách được nhóm tác giả kỳ vọng là cẩm nang dạy cho trẻ và thậm chí là bố mẹ đọc để dạy con quản lý tài chính hiệu quả, phù hợp với lứa tuổi của các cháu. Bên cạnh chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018 đưa nội dung giáo dục tài chính tích hợp vào một số môn học.

Tài chính học trò có thể coi là ấn bản đầu tiên tại Việt Nam hướng dẫn các bạn học sinh hiểu biết hơn về tiền và có thêm kỹ năng quản lý, sử dụng tiền khi trưởng thành.

Nội dung sách hướng về những chủ đề quản lý tài chính của trẻ, những hoạt động trải nghiệm, thực hành trên chính tập sách đã mua, trả lời các thắc mắc của trẻ về vấn đề tài chính nếu bố mẹ chưa giải đáp thấu đáo thông qua các nhân vật.

Ngoài ra, sách còn giúp các bạn nhỏ có ý thức và làm quen với các sản phẩm dịch vụ tài chính cần thiết cho cuộc sống (tiết kiệm, bảo hiểm, thanh toán qua ngân hàng…) cũng như các phương thức mua bán như mua hàng trực tuyến, thanh toán hiện đại (bằng thẻ tín dụng, ví điện tử, mã QR…).

Sách chuyên đề tài chính học trò đã xuất bản tập đầu tiên vào dịp Tết vừa qua. Trong các lần xuất bản tiếp theo, chuyên đề sẽ được phân phối qua trang bán hàng trực tuyến Tiki. Ấn phẩm tập trung đến đối tượng học sinh lớp 4 đến lớp 9. Thông tin về sách được đăng tải và được nhiều phụ huynh quan tâm trên fanpage Tài chính Học trò.