Fecon: Cánh chim lớn ngành xây dựng đang lạc về đâu trong đại dịch?

Fecon là điểm sáng bậc nhất của ngành xây dựng

Thành lập năm 2004 từ các nhóm chuyên gia đầu ngành về xử lý và thi công nền móng công trình, có tâm huyết với nghề, với sự năng động sáng tạo và kết hợp với đội ngũ công nhân lành nghề, hệ thống thiết bị đồng bộ với những công nghệ hiện đại, Fecon từng bước trở thành doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực xây dựng nền móng, công trình ngầm tại Việt Nam.

Năm 2016, Fecon lần thứ 4 liên tiếp có mặt trong danh sách “50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam 2016” của Forbes. Được biết, Forbes Việt Nam sử dụng phương pháp xếp hạng có cân nhắc đến đặc thù các doanh nghiệp niêm yết. Dữ liệu sử dụng để đánh giá dựa trên báo cáo tài chính đã kiểm toán trong 5 năm liên tiếp và năm tài chính 2015 của các công ty. Xếp hạng lựa chọn các công ty có hiệu quả kinh doanh tốt nhất thị trường, bao gồm cả những công ty lớn và công ty vừa và nhỏ thuộc 13 lĩnh vực, kể cả đa ngành.

Tháng 6/2018, đánh dấu cột mốc đáng nhớ trong lĩnh vực công trình ngầm của Fecon khi hoàn thành gói thầu nhánh hầm thứ hai của gói thầu khoan hầm bằng robot TBM dự án Metro line 1 TP.HCM đoạn Bến Thành – Suối Tiên và thực hiện Dự án Metro line 3 Hà Nội. Đây cũng là nhà thầu Việt đầu tiên thực hiện TBM do chuyên gia Nhật hướng dẫn. Fecon đã ký hợp tác chiến lược với tập đoàn Raito Kogyo của Nhật – một trong những tập đoàn lớn của Nhật về công trình ngầm.

Raito mua lại toàn bộ lượng trái phiếu chuyển đổi của Fecon và sở hữu 19% cổ phần công ty mẹ và 36% vốn điều lệ một công ty con của Fecon.

Tháng 8/2018, Fecon tiếp tục ký hợp đồng chiến lược với Công ty Phan Vũ – từng là đối thủ lớn một thời, và tiếp tục có bước ngoặt lớn trong hoạt động. Tiếp sau đó, Fecon mở rộng sang lĩnh vực xây dựng hạ tầng với các dự án tiêu biểu như BOT Phủ Lý, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Đà Nẵng – Quảng Ngãi hay dự án FDI nổi bật như: Nhà máy Điện tử Samsung tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, TP.HCM; nhà máy Điện tử LG Hải Phòng, nhà máy Honda…

Fecon cũng tham gia hoạt động đầu tư các dự án khu công nghiệp nặng và năng lượng tái tạo như Nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo, Điện gió Gia Lai, Kontum, Bến Tre,…

Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của Fecon cũng chỉ ở mức 28 tỷ đồng, giảm 74% so cùng kỳ, đạt 12% kế hoạch cả năm. Năm 2020, Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất 233 tỷ đồng.

Fecon cho biết, con số lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 đạt ở mức thấp so với kế hoạch năm do đặc thù là doanh nghiệp xây lắp nên nguồn doanh thu, lợi nhuận chủ yếu được ghi nhận vào thời điểm cuối năm. Tuy vậy, khó có thể phủ nhận rằng, quy mô lớn là thế, nhưng Fecon không nên để kết quả kinh doanh lèo tèo hơn một doanh nghiệp nhỏ.

Chưa kể, nợ tài chính, khoản phải thu và dòng tiền lưu chuyển của Fecon đang không ổn. Tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản của Fecon ở mức 5.914 tỷ đồng. Trong đó các khoản phải thu ngắn hạn vẫn ở mức cao 3.633 tỷ đồng.

Trong cơ cấu nguồn vốn, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn của Fecon lần lượt là 1.000 tỷ đồng và 341 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 97 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh luôn âm thì đó là một vấn đề

Quay lại lịch sử của Fecon, chỉ cách đây gần chục năm, lợi nhuận của doanh nghiệp này không ngừng tăng trưởng. Từ mức vỏn vẹn 4,4 tỷ đồng năm 2008, Fecon lãi ròng 141 tỷ đồng năm 2015. Tốc độ tăng trưởng bình quân lên tới 64%/năm trong 7 năm. Vốn điều lệ của cũng tăng chóng mặt từ mức 32 tỷ đồng năm 2008 lên 457 tỷ đồng tính đến cuối năm 2015.

Fecon là một trong những trường hợp tăng vốn tương đối hiệu quả trên thị trường chứng khoán, căn cứ vào tăng trưởng lợi nhuận và tên tuổi trong lĩnh vực hoạt động. Cổ phiếu FCN cũng là một khẩu vị ưa thích của khối ngoại.

Nhưng đúng đến khi ánh hào quang đang rực rỡ nhất, Fecon lại lộ ra những mối nguy hiểm nợ nần. Tại thời điểm cuối năm 2015, số dư nợ vay ngắn và dài hạn của Fecon là 1.068 tỷ đồng, tăng 93,5% so với số dư đầu năm. Trong đó, có 368 tỷ đồng là trái phiếu chuyển đổi.

Khi đó, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đạt 2,5 lần. Số dư nợ vay ngay lập tức phản ánh vào kết quả kinh doanh năm 2015 của công ty. Chi phí tài chính của năm 2015 lên tới 148 tỷ đồng, gấp 4,8 lần năm 2014. Trong đó, chi phí lãi vay là 55,5 tỷ đồng, gấp đôi năm 2014.

Một trong những chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của một công ty chính là dòng tiền mà hoạt động kinh doanh mang lại. Trong một số trường hợp, một số công ty mặc dù có kết quả kinh doanh thua lỗ, dòng tiền vẫn về đều đặn, đủ để trang trải cho các chi phí trong kỳ, thì công ty vẫn tạm yên tâm. Tuy nhiên, với Fecon, dòng tiền kinh doanh lại không thực sự khả quan.

Năm 2015, dòng tiền hoạt động kinh doanh của công ty âm 280 tỷ đồng (năm 2014 âm 60 tỷ đồng). “Tội đồ” lớn nhất của thực trạng này là biến động khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.

Dòng tiền kinh doanh âm, trong khi tham vọng mở rộng đầu tư chưa có dấu hiệu ngừng lại. Các hoạt động của Fecon đều phải trông chờ vào dòng tiền từ hoạt động tài chính, mà chủ yếu là các khoản vay nợ, phát hành trái phiếu mang lại. Đây là yếu tố mang tính lệ thuộc và không vững chắc của doanh nghiệp.

Năm 2015, Fecon chính thức bước ra thị trường nước ngoài khi đấu thầu thành công Gói thầu Xử lý nền dự án mở rộng cảng Thilawa – Myanmar và bắt tay với công ty xây dựng địa phương thành lập Công ty liên doanh Fecon – Rainbow – Công ty đầu tiên của doanh nghiệp ở nước ngoài. Việc mở rộng kinh doanh và những triển vọng trong tương lai của Fecon một lần nữa đặt công ty trước những cơ hội huy động vốn (phát hành cổ phiếu/trái phiếu) – và tiếp tục chịu những áp lực xung quanh vấn đề nợ vay.

Với doanh nghiệp xây dựng thì đôi khi xảy ra tình trạng dòng tiền âm do tính chất ngành nghề. Tuy nhiên, không thể vin vào cớ đó để biện minh cho dòng tiền liên tục âm. Ở đây, dòng tiền âm kéo dài nhiều năm cộng với con số nợ tăng bằng lần so với vốn chủ sở hữu, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang lúng túng trong câu chuyện tài chính

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ