Phường Hàng Bồ: Người dân phản ánh vi phạm TTXD ngang nhiên tồn tại?

Ðể cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 03 về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 – 2025. Ðề cao trách nhiệm người đứng đầu

Theo đó, thành phố sẽ tập trung giải quyết các vấn đề dân sinh, các vụ việc được HĐND thành phố, cử tri, cơ quan báo chí quan tâm; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch chuyên đề và chỉ đạo của UBND thành phố về quản lý TTXD.

Cùng đó, Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phối hợp hướng dẫn, đôn đốc cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý TTXD; kịp thời tổng hợp báo cáo tình hình đồng thời đề xuất Thành ủy, UBND, HĐND thành phố các biện pháp hiệu quả để nâng cao quản lý. Đồng thời kiến nghị các cấp có thẩm quyền hoàn thiện hệ thống pháp luật, văn bản pháp lý để điều chỉnh những bất cập.

Tại phường Hàng Bồ cũng xuất hiện một số công trình như: 21 Bát Sứ, 37 Hàng Gà, 74 Hàng Gà… Theo người dân, công trình 21 Bát Sứ đang xây dựng 7 tầng nổi, 2 tầng hầm.

Công trình 21 Bát Sứ.

Một số người dân cho biết, khi công trình xây dựng, mặc dù được che bạt kín nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng bụi bẩn, tiếng ồn, nhất là khi phá dỡ công trình cũ.

Theo quy định, trong quá trình thi công xây dựng hoặc phá dỡ công trình, không được sử dụng các thiết bị gây ồn, thiết bị có gia tốc rung vượt quá giới hạn cho phép; phải có biện pháp giảm bụi và khí thải ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng không khí theo quy chuẩn… Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều công trình chưa tuân thủ hoặc tuân thủ nhưng chưa chặt chẽ các quy định.

Công trình 37 Hàng Gà.

Chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, ở đô thị lớn như Hà Nội, việc xây dựng, phá công trình cũ để làm các công trình mới diễn ra thường xuyên và liên tục.

Công trình 74 Hàng Gà.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi từ các công trình xây dựng, theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, các tổ chức, cá nhân khi tháo dỡ công trình cần tuân thủ đúng quy định về bảo vệ môi trường như: Phải che chắn, phun nước để giảm bụi, chỉ được làm trong những khung giờ nhất định và các phương tiện chuyên chở ra vào công trường phải được vệ sinh sạch sẽ. Các đơn vị thi công hè, đường phải nghiêm khắc hơn trong việc “làm gọn, dọn sạch” – không để vương vãi cát, xi măng, phế thải… sau khi thi công. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng theo phân cấp cần tăng cường giám sát, đôn đốc cũng như tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, phải chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi buông lỏng quản lý, không xử lý vi phạm đến nơi, đến chốn. Có như vậy, tình trạng ô nhiễm bụi, tiếng ồn từ các công trình xây dựng mới giảm để trả lại môi trường trong lành cho Thủ đô.

Ngoài vấn đề về bảo vệ môi trường, ngày 24/10/2013, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thời điểm đó là ông Nguyễn Thế Thảo ký Quyết định số 6398/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – Kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội nhằm bảo vệ di tích lịch sử cấp Quốc gia, có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử.Quyết định chỉ rõ: Tuyến phố cổ công trình xây dựng được cấp tối đa với lớp ngoài là 3 tầng, lớp trong là 4 tầng, chiều cao lần lượt không quá 6 đến 12 m. Bên cạnh đó, trong danh mục 79 tuyến phố và 83 ô phố tại khu phố cổ được quy định chi tiết về mật độ, số tầng, khoảng lùi công trình xây dựng, nếu các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhà, chủ đầu tư các công trình xây dựng, sửa chữa, cải tạo trong khu vực vi phạm các quy định trong Quy chế sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật.

Quận Hoàn Kiếm là khu vực bị hạn chế về phát triển xây dựng ở cả 04 khu vực: Khu Phố cổ, khu Phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, khu vực ngoài đê Sông Hồng. Trong khi đó, nhu cầu về xây dựng, cải tạo sửa chữa nhà ở, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển dịch vụ, thương mại, du lịch vẫn là nhu cầu bức thiết. Do vậy, công tác quản lý về trật tự xây dựng đô thị, đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn quận luôn được Quận ủy – HĐND – UBND quận xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi.

Vì thế, để tránh phát sinh những vi phạm TTXD đề nghị các cơ quan chuyên môn thường xuyên, kiểm tra giám sát chặt chẽ. Việc giám sát đình chỉ, ngăn chặn vi phạm có hiệu quả, góp phần thực hiện cho công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn đi sẽ đi vào nề nếp, tạo bộ mặt khang trang của Thủ đô.

PV/Theo VietQ