Kangaroo tăng trưởng khá nhanh, chỉ tiêu lãi ròng 6 tháng đầu năm 2020 gấp đôi cùng kỳ

Kangaroo: Chỉ tiêu lãi ròng tăng gấp đôi so với cùng kỳ

CTCP Tập đoàn Điện lạnh Điện máy Việt Úc (Kangaroo) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2020 với chỉ tiêu lãi ròng ghi nhận gần 142 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Doanh thu thuần đạt 684 tỷ đồng, giảm 2,4% so với quý 2 năm ngoái.

Tỷ lệ chi phí giá vốn giảm đến 22,8% nên lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 329,3 tỷ đồng, tăng 12% so với quý 2 năm ngoái.

Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng đồng loạt tăng 4% và 10% so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí bán hàng trong quý hơn 196 tỷ đồng, và chi phí quản lý doanh nghiệp 35 tỷ đồng do Công ty điều chỉnh chính sách thu nhập nên chi phí nhân viên tăng so với cùng kỳ. Tổng 2 khoản chi phí này hơn 231 tỷ đồng. Kết quả, quý 2 Kangaroo lãi sau thuế 73,8 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 của Kangaroo.

Kangaroo ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng 16% và chi phí tài chính giảm 3% do ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá. Ngoài ra, Kangaroo sử dụng vốn từ nguồn vốn lưu động ròng được tăng thêm từ lợi nhuận để lại nên chi phí lãi vay giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020 Kangaroo đạt gần 1.293 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với con số 1.273 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên nhờ tiết giảm chi phí, lợi nhuận sau thuế thu về đạt 143 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. EPS đạt 2.044 đồng.

Kangaroo đang tăng trưởng khá nhanh

Số liệu tài chính cho thấy Kangaroo đang tăng trưởng khá nhanh trong những năm gần đây. Doanh thu năm 2018 đạt hơn 2.300 tỷ đồng (tức hơn 100 triệu USD), gần gấp đôi năm 2016. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt hơn 55 tỷ đồng, giảm 15% cùng kỳ năm trước và chỉ hoàn thành 36% kế hoạch năm. Theo giải trình của Kangaroo, lợi nhuận 2018 giảm mạnh là do công ty gia tăng chi phí bán hàng, quảng cáo sản phẩm, phát triển các cửa hàng để thúc đẩy bán các sản phẩm mới.

Kangaroo cho rằng mục tiêu của giai đoạn tích lũy là xây dựng thương hiệu đó Kangaroo chấp nhận có mức lợi nhuận khiêm tốn để gia tăng độ phủ.

Hiện nay, máy lọc nước chỉ là 1 trong 5 mảng chính của Kangaroo cùng với hàng gia dụng, thiết bị bếp, điện lạnh và thiết bị vệ sinh tuy nhiên sản phẩm nổi tiếng nhất vẫn là máy làm nóng lạnh nước và máy lọc nước với thị phần 37% và 18,6%, bỏ xa các hãng cùng ngành.

Tại thị trường trong nước, số liệu cho thấy Kangaroo có 40.000 điểm bán, 458 trung tâm bảo hành, 4 văn phòng đại diện tại Việt Nam và đưa sản phẩm ra 5 quốc gia bao gồm Myanmar, Indonesia, Lào, Campuchia và Trung Quốc, tuy nhiên 99,99% doanh thu của công ty vẫn đang đến từ thị trường nội địa. Công ty có 2 nhà máy đặt tại Hưng Yên với 4 dây truyền sản xuất.

Tại thời điểm cuối quý II, tổng tài sản của Kangaroo ghi nhận hơn 1,816 tỷ đồng, tăng 15% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho cũng tăng 32%, lên 573 tỷ đồng. Trong đó, hàng hóa chiếm 66% và nguyên liệu vật liệu chiếm 23% tổng hàng tồn kho.

Ngoài ra, khoản nợ phải trả tính đến ngày 30/06/2020 tăng 12% so với đầu năm, ghi nhận hơn 873 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính chiếm 58% và khoản phải trả người bán ngắn hạn chiếm 15% tổng nợ phải trả.

Đáng chú ý, đầu tư tài chính ngắn hạn của Kangaroo đạt gần 25 tỷ đồng trong khi đầu năm không ghi nhận khoản này.

Thương hiệu Kangaroo bắt đầu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi nhờ màn quảng cáo đặc biệt trong trận chung kết giải bóng đá Champions League năm 2011 trên VTV. Người sáng lập ra thương hiệu này là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thành Phương của Tập đoàn Kangaroo. Ông Phương hiện là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ nắm giữ 72% cổ phần.

Kangaroo được thành lập từ năm 2003, chuyên về các mặt hàng gia dụng, thiết bị nhà bếp, các sản phẩm từ công nghệ lọc nước, năng lượng tới các thiết bị tiêu dùng khác.

Công ty có trụ sở chính tại Hà Nội và duy trì hệ thống hơn 40.000 điểm kinh doanh, 8 chi nhánh trong và ngoài nước… Ở trong nước, các sản phẩm của Kangaroo được bán tại các thị trường trải dài từ miền bắc, miền trung và miền nam, trong đó phần lớn phân bổ ở miền bắc và miền nam.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ