Vào hôm thứ Năm vừa qua, một cơ quan trong ngành hàng không toàn cầu đã cảnh báo rằng ảnh hưởng về mặt tài chính do virus corona gây ra có thể đạt tới 113 tỷ USD (87 tỷ bảng Anh) trong năm nay.
Dự đoán ảm đạm trên được đưa ra đúng vào ngày hãng hàng không Flybe có trụ sở tại Anh bị đưa vào diện quản lý. Các chuyên gia hàng không đang dự báo sẽ có nhiều trường hợp phá sản hơn khi hành khách hủy chuyến bay.
Sự sụp đổ của Flybe “có thể sẽ là trường hợp đầu tiên của nhiều trường hợp khác trong năm 2020”, James Goodall, nhà phân tích giao thông tại Redburn, nói: “Chúng tôi cho rằng sự phá hủy nhu cầu do Covid-19 gây ra đã đẩy nhanh sự sụp đổ của Flybe và tin rằng nhiều vụ phá sản hơn trong ngành hàng không sẽ xảy ra trong những tháng tới”.
Các hãng hàng không có thể mất 63 tỷ USD đến 113 tỷ USD doanh thu từ sự sụt giảm lưu lượng hành khách trên toàn cầu trong năm nay, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết vào hôm thứ Năm. Tháng trước, họ dự đoán ngành này sẽ lỗ 29 tỷ USD.
Nhu cầu đã giảm mạnh, không chỉ từ khách du lịch, mà còn là từ chuyện đi lại liên quan tới công ty khi họ hạn chế những chuyến công tác cho nhân viên và các hội nghị bị hoãn lại.
“Sẽ có sự gia tăng đáng kể về ‘thương vong’ của các hãng hàng không trong kịch bản này”, Michael Duff, giám đốc điều hành của The Airline Analyst, cho biết.
“Đây sẽ là một thời điểm rất khó khăn cho ngành hàng không không có nhiều tiền mặt, đặc biệt là những hãng đã tham gia vào cuộc chiến giá cả”, Greg Waldron, biên tập viên quản lý khu vực châu Á của tạp chí Flightglobal, nói.
Các nhà phân tích cho biết các hãng hàng không khu vực ở châu Á dễ bị tổn thương hơn vì họ phụ thuộc nhiều vào hành khách từ Trung Quốc, “tâm chấn” của đợt dịch virus corona. “Họ cũng có lượng đơn đặt hàng máy bay tồn đọng lớn nhất vì thế Airbus và Boeing có thể sẽ gặp áp lực, phải hoãn giao hàng và hoàn trả tiền đặt cọc máy bay”, ông Duff nói thêm.
Nhiều hãng hàng không đã đưa ra các biện pháp cắt giảm chi phí như yêu cầu nhân viên nghỉ phép không lương và cắt giảm lương vì máy bay bị ngưng bay.
Chẳng hạn, Emirates đã yêu cầu người lao động nghỉ phép không lương lên đến một tháng, trong khi Cathay Pacific yêu cầu nhân viên nghỉ phép ba tuần không lương.
Hãng hàng không khu vực Flybe đã bị đưa vào diện quản lý vào hôm thứ Năm vừa qua sau khi nỗ lực kiếm nguồn tiền mới để tiếp tục hoạt động nhưng không thành công.
Paul Charles, một cựu giám đốc của Virgin Atlantic, nói với chương trình Today của BBC rằng ông tin rằng sẽ có “các thương vong khác” do những áp lực như virus corona.
“Bạn sẽ thấy rất nhiều vụ sáp nhập trong vòng sáu tháng tới”, ông nói.
“Các đội quản lý tại những hãng hàng không gặp khó khăn toàn diện ở thời điểm này vì virus corona. Bạn sẽ không thấy ai khác đến để bổ sung mạng lưới vận chuyển hoặc lấp đầy khoảng trống mà Flybe để lại”.
Hãng hàng không Loganair của Scotland cho biết họ sẽ đảm nhiệm 16 tuyến bay cũ của Flybe.
Tuy nhiên, ông Charles nói rằng “Những gì Loganair đang làm là chọn các tuyến tốt nhất – cũng là điều hợp lý thôi, nhưng tôi tự hỏi nó sẽ kéo dài bao lâu – tôi nghĩ một số tuyến trong 16 tuyến đó sẽ không tồn tại nổi trong vài tháng”.
Tại Việt Nam, tình hình hàng không dưới sự ảnh hưởng của virus corona cũng không khả quan được bao nhiêu. Chỉ tính riêng việc dừng khai thác thị trường Trung Quốc, hàng không Việt Nam mất bình quân 400.000 lượt khách/tháng. Hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế tới các điểm đến khác cũng bị vạ lây.
Ngày 16-2, chủ một đại lý vé máy bay tại TP HCM cho biết số lượng khách hỏi đặt vé thời điểm này giảm mạnh so với trước Tết và cùng kỳ năm ngoái do lo ngại dịch bệnh Covid-19. Khách lẻ gần như không có, khách công ty cũng giảm. Ngay cả những đường bay đông khách nhất nước giữa TP HCM – Hà Nội cũng rất ít người đặt vé. Những ngày qua, theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, rất nhiều người đã đặt vé, trả tiền để về quê, đi công tác, du lịch trong lẫn ngoài nước… đều hủy vé giờ chót. Các công ty lữ hành cũng gặp khó khăn vì du khách hủy tour… Khách hủy các chuyến du lịch đồng nghĩa với hủy vé máy bay (với những tour trong nước đi bằng máy bay). Vận tải hàng không rơi vào cảnh ế ẩm.
Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế, TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia phân tích của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận xét vận tải hàng không sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lượng khách quốc tế sử dụng hàng không của Việt Nam chiếm hơn 79% tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Riêng khách Trung Quốc đến Việt Nam bằng đường hàng không cũng chiếm tới 70%.
“Doanh thu của ngành hàng không mỗi năm khoảng 200.000 tỉ đồng, đóng góp trực tiếp vào GDP khoảng 0,1% sẽ chịu tác động trực tiếp, rõ nét nhất từ dịch Covid-19. Dự báo doanh thu và lợi nhuận của ngành này sẽ giảm mạnh trong quý I, II và cả năm 2020 tùy vào diễn biến dịch bệnh” – TS Cấn Văn Lực phân tích.
Theo tính toán sơ bộ của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), tác động của dịch Covid-19 đã làm hiệu quả sản xuất, kinh doanh suy giảm 20% so với bình thường. Chủ tịch HĐQT của ACV, ông Lại Xuân Thanh, cho biết sắp tới, tình trạng này sẽ nặng nề hơn bởi vừa qua, hành khách đã đi bắt buộc phải về, còn sắp tới khi khách đã về thì không ai đi lại nữa. Khách quốc tế hiện nay gần như chỉ còn chiều đi, không có người đến mới. Một số sân bay đặc thù đón khách quốc tế đang trong tình trạng vắng vẻ…
Hiện một số hãng hàng không đã bắt đầu xoay xở, tìm cách ứng phó nhằm giảm thiệt hại từ dịch Covid-19. Vietnam Airlines vừa thông báo đang có nhu cầu cho thuê các máy bay thân hẹp (A321) hoặc máy bay thân rộng (A350-900 hoặc B787-9/10). Thời gian cho thuê là 6 tháng hoặc theo nhu cầu, dự kiến bắt đầu từ tháng 4-2020. Trong khi đó, Vietjet đẩy mạnh khai thác thị trường mới khi mở loạt 5 đường bay thẳng từ Đà Nẵng, Hà Nội và TP HCM tới các điểm đến trên đất nước Ấn Độ. Jetstar Pacific thì triển khai kế hoạch kích cầu với chương trình ưu đãi mua 4 tặng 1 vé máy bay trên tất cả đường bay nội địa…
Mộc Diệp